Cần Lên Kế Hoạch Như Thế Nào Cho Bộ Bài Oracle Tự Làm?
Khi bạn đã đưa ra quyết định tự làm một bộ bài Oracle của riêng mình, bạn cũng cần phải có một kế hoạch hoàn chỉnh. Nếu như bạn muốn thử nghiệm và chỉ làm cho bản thân mình dùng thôi thì có thể không đặt nặng việc lên kế hoạch này nhưng nếu bạn muốn nhiều người biết đến bộ bài của bạn thì việc lên kế hoạch cực kỳ quan trọng. Hãy cùng mình khám phá xem chúng ta sẽ lên kế hoạch như thế nào nhé!
1. Ghi chép
Việc đầu tiên các bạn cần làm chính là ghi chép tất cả mọi thứ.
- Ý tưởng ban đầu của bạn là gì, hãy ghi ra.
- Bạn thích hình ảnh gì, hãy ghi ra.
- Bạn muốn bộ Oracle của bạn mang đến mục đích gì khi sử dụng, hãy ghi ra.
- Bạn chọn thể loại Oracle nào, hãy ghi ra.
- Bạn có dự định gì về việc bán bộ Oracle của mình, hãy ghi ra.
Nói tóm gọn lại là hãy ghi ra hết những gì bạn suy nghĩ, không chừa một ý kiến nào. Hãy để cho mọi thông tin được nằm hết trong một cuốn sổ. Vì trong quá trình thực hiện, bạn sẽ không nhớ hết được những ý tưởng thú vị mà bạn chợt nghĩ ra, lỡ khi bạn đang đi đâu trên đường, một ý tưởng lóe lên trong đầu bạn, nếu bạn có đem theo cuốn sổ lúc đó thì thật sự quá tuyệt vời, bạn sẽ nhanh chóng lưu lại được ý tưởng ấy ngay. Nếu không đem sổ, hãy ghi đỡ trong phần Note của điện thoại, về nhà rồi ghi lại vào sổ sau.
Bước đầu là bước tự do nhất trong tất cả các bước, vì lúc này kế hoạch của chúng ta mới chỉ nằm ở bước hình thành ý tưởng, ta có quyền để mọi thông tin lộn xộn, về sau chúng ta sẽ sắp xếp lại một cách có trật tự hơn.
2. Vẽ sơ đồ kế hoạch thực hiện
Bước này rất thú vị, vì nếu bạn nào giỏi về sơ đồ tư duy hoặc biết vẽ, biết sơ sơ về phác thảo bảng kế hoạch thì việc này sẽ giúp các bạn hệ thống lại được kế hoạch của mình, dễ dàng nhìn vào đấy rồi định hướng bản thân nên làm gì theo kế hoạch hơn.
Việc vẽ sơ đồ kế hoạch thực hiện có thể tái hiện ở nhiều cách:
- Vẽ trên giấy: nếu bạn có thể tự vẽ ra cho mình một kế hoạch thực hiện thì hãy vẽ ngay trên giấy, bạn có thể chọn vẽ trên giấy khổ A4, nếu bạn có ý định treo trên tường hoặc muốn sơ đồ ấy nhìn thật to thì chọn vẽ trên những loại giấy bự hơn như giấy A0 hoặc giấy Roky.
- Vẽ trên máy tính: bạn có thể vẽ bằng những phần mềm trên máy tính như Mind Map hoặc Microsoft Visio, có thể chọn Photoshop để thiết kế một bản kế hoạch riêng cũng được, mặc dù những phần mềm này có mang hơi hướng công nghệ thông tin nhưng chúng thật sự rất hữu ích trong việc muốn thiết kế một bản kế hoạch bằng hình ảnh.
Nếu bạn không thích vẽ, chỉ cần ghi ra kế hoạch cần làm gì vì bước này chỉ có tác dụng làm cho chúng ta tự đem đến cho mình một hành trang kỹ càng hơn và tạo cảm hứng để bắt đầu tốt đẹp và đi theo đến cùng. Những gì bạn gần ghi / vẽ trong bảng kế hoạch bao gồm: Ý tưởng, Chủ đề và Mục đích, Kích thước và Hình thức, Hình ảnh, Sách hướng dẫn ghi những gì, Trau dồi thêm kiến thức, Thời gian thực hiện và thời gian dự kiến xong, Những dự định khác,…
Những thông tin trong bảng kế hoạch thật sự rất cần thiết vì:
- Ý tưởng: Là cái nền cho bộ Oracle của bạn, bạn muốn bộ bài của bạn như thế nào đều nằm hết ở ý tưởng.
- Chủ đề và Mục đích: bộ Oracle của bạn lấy chủ đề gì, bao nhiêu chủ đề. Mục đích sử dụng của bộ Oracle ấy là gì, có mang nhiều mục đích hay không,…
- Kích thước và Hình thức: bộ Oracle của bạn to hay nhỏ, có cách in đặc biệt không, có mạ vàng / bạc không, loại giấy gì,…
- Hình ảnh: bạn định hướng cho bộ Oracle của bạn mang tính chất gì, hình ảnh như thế nào, phong cách đồ họa, hình sử dụng của người khác hay hình tự bạn vẽ,…
- Sách hướng dẫn ghi những gì: thời gian hoàn thành sách, ghi thông tin gì vào trong sách (thông tin tác giả, thông tin bộ bài, ý nghĩa lá bài,…), tầm bao nhiêu trang, khổ nhỏ hay to
- Trau dồi kiến thức: cần học thêm những kiến thức cho ý tưởng của bạn, cần học thêm cách thiết kế lá bài và cách thức in bài,…
- Thời gian thực hiện và thời gian dự kiến xong: thời gian nào là rãnh nhất để có thể thực hiện tất cả các công đoạn, khi nào phải xong hết mọi thứ,…
- Những dự định khác: chừng nào đưa sản phẩm ra công chúng nếu có ý định bán, tìm chỗ nào để in cho rẻ, những dự định khác trong bộ Oracle ấy,…
Một khi đã có bảng kế hoạch cụ thể, việc tiếp theo chỉ cần là làm theo kế hoạch thôi, nhưng đôi khi đã vẽ sơ đồ kế hoạch xong hết thì giai đoạn chuẩn bị vẫn chưa kết thúc. Còn rất nhiều việc bạn cần phải làm để tránh gây rủi ro hoặc gây mất hứng về sau.
3. Đi tìm nguồn cảm hứng
Tinh thần là quan trọng nhất. Bạn phải giữ cho bản thân mình lúc nào cũng đầy nhiệt huyết để không dễ dàng nản chí, vậy nên tinh thần phải thực sự tỉnh táo, dám chấp nhận và đối mặt với những vấn đề không may xảy ra. Một khi đã quyết tâm tự làm cho mình một bộ Oracle thì hãy quyết theo tới cùng, đừng bỏ dỡ, xem như là tập cho bản thân thói quen kiên trì, luôn muốn cố gắng đạt được mọi thứ mình muốn.
Đề xuất của mình chính là đi tìm nguồn cảm hứng, vậy nguồn cảm hứng này ở đâu ra?
- Xem hình ảnh đúng với định hướng nghệ thuật mà bạn chọn: lên các trang Pinterest hoặc Instagram để xem thêm về những tấm hình lá bài đẹp để tự tạo động lực cho mình, lấy cảm hứng để lên kế hoạch về mặt hình ảnh.
- Xem hình ảnh những bộ Oracle tự làm của người khác: hãy tìm hiểu thông tin về các bộ bài mới cập nhật trên Google hoặc vào Instagram xem những bộ Oracle người khác làm để học hỏi cách thức thực hiện một bộ bài Oracle là như thế nào.
- Xem những bài viết về đồ họa, thiết kế hoặc về kiến thức bạn muốn hướng đến: nếu bạn thích một làm một bộ bài về đá quý, hãy tham khảo kiến thức về đá quý, nếu bạn muốn thiết kế hình ảnh về đá quý, hãy tham khảo những hình ảnh về đá quý và các bài học về thiết kế, chúng sẽ rất bổ ích và tạo động lực để bạn học tập.
Dù sao đi nữa, bạn cũng phải tự tạo cho mình đức tính kiên trì để thực hiện việc nào ra việc nấy, không bỏ lỡ giữa chừng, không nản lòng và không bỏ cuộc. Trong việc này, vững vàng với những kế hoạch của bản thân sẽ tốt hơn.
4. Lên lịch cho kế hoạch và những rủi ro
Sau khi đã tìm được nguồn cảm hứng và có kế hoạch thực hiện, hãy bắt đầu sắp xếp lại tất cả thông tin từ 3 bước trước và lên lịch để thực hiện:
- Bạn muốn bắt đầu vào thời gian nào?
- Khi nào sẽ xong hết mọi thứ?
- Nếu có rủi ro thì kế hoạch sẽ được thay đổi như thế nào?
- Trường hợp xấu nào có thể xảy ra và cách khắc phục?
Việc lên lịch sẽ giúp bạn hệ thống hóa công việc bạn cần làm và sẽ giúp cho bạn bận rộn hơn, nếu kế hoạch có gì thay đổi, hãy tiếp tục lên kế hoạch khác để thay thế vô, tránh trường hợp làm việc tùy hứng vì bạn sẽ dễ dàng thay đổi tâm trạng, việc lười biếng hoàn toàn có thể xảy ra.
5. Cập nhật lại liên tục
Không có kế hoạch nào mà được suôn sẻ 100%. Chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ có rủi ro, nên bất cứ lúc nào bạn cũng phải phòng tránh sự rủi ro ấy bằng cách cập nhật lại thông tin khi có sự thay đổi. Nếu bạn có ý tưởng khác, cập nhật lại hết toàn bộ kế hoạch, nếu bạn muốn thay đổi những thông tin như về mặt ngữ nghĩa, hình ảnh thì cũng nên cập nhật lại trong kế hoạch. Việc này sẽ giúp bạn được đổi mới liên tục nếu có vấn đề gì xảy ra.
6. Tìm người góp ý
Kế hoạch của bạn sẽ chưa thể hoàn thiện nếu như nó chỉ thuộc về phạm trù kiến thức của bạn. Đôi khi ý kiến của những người khác, nhất là những người trong chuyên môn lại rất có lợi cho bạn. Hãy tìm người góp ý cho tất cả kế hoạch của bạn, việc này sẽ làm cho bạn có góc nhìn đa chiều hơn, lắng nghe ý kiến của người khác góp phần mở mang thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm để thực hiện kế hoạch sao cho hoàn chỉnh.
Đôi khi việc lên kế hoạch sẽ không quá dài như bài viết này đâu, có những bạn khi đã hội tụ đủ những gì cần thiết cho việc thực hiện, việc của bạn đó cần làm là bắt tay vô và làm thôi. Bài viết này phần nào cho các bạn hiểu được việc lên kế hoạch cho một bộ bài cũng rất kỳ công và tất cả mọi thứ đều là do chính tác giả bộ bài làm hết. Hi vọng bài viết này sẽ góp thêm động lực cho những bạn đang và sắp có ý định thực hiện một bộ bài Oracle cho riêng mình nha.
Chúc các bạn thành công trên con đường học và phát triển Oracle của mình!
Nguyễn Hiếu
Tham khảo thêm:
– Create Your Own Oracle (C.Y.O.O) – Những Điều Cần Biết
– Chủ Đề Và Mục Đích Của Bài Oracle