Tarot & Astro: Tính Ứng Dụng Của Cuốn Sách 

Astrology, Sách Hướng Dẫn Từng Bộ Bài Tarot - từng lá bài


1.

Một số người nghiên cứu Tarot cổ điển cho rằng việc Golden Dawn gán vào cho Tarot quá nhiều hệ thống từ Kabalah, thần thoại Hy Lạp – La Mã đến Chiêm Tinh… chỉ khiến nhiều người hiểu sai về ý nghĩa truyền thống và càng lúc càng “tam sao thất bản” hơn mà thôi. Tôi đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, “so below as above”, tôi vẫn tin rằng các hệ thống đối ứng luôn có chung một công thức để đi đến kết luận cuối cùng. Chỉ là chúng ta có tìm được chúng hay không, và chúng ta có hiểu đúng cốt lõi vấn đề hay không. Việc “vẽ chân cho rắn” trong quá trình nghiên cứu là rất thường xuyên xảy ra, vì thế mà tôi quyết định tiếp thu có chọn lọc những gì tiền bối để lại và phát triển chúng lên theo hướng đúng đắn hơn. Trong quá trình quan sát những hệ thống đối ứng song song đó, bạn có thể hiểu tốt hơn những vấn đề bạn đang vướng mắc, đồng thời mở rộng thế giới quan và hiểu hơn nhiều khía cạnh liên quan.

2. 

Từ trước đến nay chỉ có hội Golden Dawn đề xuất ý tưởng đối ứng Chiêm Tinh vào Tarot thông qua Kabalah, được thể hiện ý tưởng rõ nhất thông qua bộ Golden Dawn Tarot và Aleister Crowley Thoth Tarot. Riêng A. E. Waite không đồng ý theo đề xuất này, đã chọn không đưa vào hệ thống của bộ Rider Waite Smith Tarot. Nhưng điều nghiệt ngã là, vì RWS được sử dụng quá thông dụng, nên rất nhiều người đã chọn dùng bộ RWS minh họa cho các bài giảng về hệ thống đối ứng Tarot và Chiêm Tinh, bạn thử tìm từ khóa Tarot and Astrology trên Youtube sẽ thấy rất nhiều kết quả. Tôi tự nghĩ nếu Waite có lỡ sống lại sẽ rất sốc vì điều này, rõ là ông đã bác bỏ đề xuất này, sao nhiều người vẫn cứ gán chúng vào cho tác phẩm tâm huyết của ông như vậy?

Thật ra tôi cũng dùng một số lá bài của Waite làm ý tưởng minh họa cho những đề xuất của tôi. Vì hai lý do:

Lý do thứ nhất là vì hệ thống của Waite dù đã tách biệt khỏi các bộ bài cổ khá xa, nhưng nó vẫn mang âm hưởng, như là một tác phẩm đương đại chịu ảnh hưởng bởi tư duy cổ xưa. Vì thế mà mặc dù triết lý của nó khá hàn lâm, nhưng với hình ảnh quen mắt, người hiện đại chúng ta dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào đầu và dễ sử dụng. Việc sử dụng các lá bài của Waite-Smith minh họa, sẽ giúp người đọc dễ hình dung và liên tưởng – từ đó dễ ghi nhớ và sử dụng.

Lý do thứ hai, ngay từ đầu, Waite không sử dụng hệ thống đối ứng Tarot-Chiêm Tinh của Golden Dawn thì không ai hiểu vì sao, nhưng rõ ràng là không có tài liệu nào cho thấy lập luận của ông về hệ thống ấy là sai lệch hoàn toàn so với hệ thống bộ bài của ông. Hơn nữa, ở một số lá bài của Waite, chúng ta vẫn thấy hiện diện ký hiệu Chiêm tinh rất phù hợp. Vậy nên, với những nghiên cứu ngày hôm nay, tôi tin là hệ thống có đủ cơ sở lý luận để đưa vào hệ thống bộ bài của Waite mà không bị khớp. Vì tư tưởng của ông vẫn chịu ảnh hưởng từ các bộ bài cổ rất nhiều, mà như tôi đã lập luận, các hệ thống luôn có sự liên hệ với nhau khi chúng ta đã tìm ra đúng hướng.

3.

Với cách phân tích con đường phát triển của linh hồn từ chủ tinh cấp 1 đến chủ tinh cấp 3, bạn vừa có thể nắm bắt được kiến thức về chiêm tinh một cách đầy đủ và chi tiết nhất, vừa nắm được cách thức sử dụng năng lượng của lá bài tương ứng. Từ đó, nhìn thấy được vấn đề trong mỗi lá bài cùng lời khuyên bổ ích giúp cải thiện cách giải bài đơn điệu, tẻ nhạt bằng những phương pháp tâm lý vô cùng hiệu quả.

4.

Tôi không tán thành quan điểm sử dụng Tarot dự đoán thời gian cho lắm, nhất là khi ứng dụng hệ thống đối ứng Chiêm Tinh vào Tarot như thế này.

Một số người phỏng đoán thế này: Rút được lá Two of Wands ứng với 10 độ đầu Bạch Dương, tức là vào khoảng cuối tháng 3. Thú thật thì tôi thấy cũng thú vị với phương pháp phỏng đoán này, nhưng thế mạnh của Tarot không phải là dự đoán thời gian, vì chúng biến chuyển kết quả liên tục dựa vào ý chí của người xem. Vậy nên đến cuối cùng, kết quả cũng không chính xác theo khoảng thời gian đó. Thật tình mà nói nếu bạn quan tâm đến vấn đề thời gian, sao không thử tìm hiểu sao lưu và tinh vận trong Chiêm Tinh nhỉ? Đó sẽ là chủ đề thú vị khiến bạn cần phải tính toán nhiều hơn là ngồi phỏng đoán như thế này. Tuy nhiên, trong chương 2, tôi vẫn đề xuất hệ thống thời gian cho Tarot dựa vào Chiêm Tinh để mọi người tham khảo.

Tôi cũng không đồng ý với quan điểm rút lá bài hỏi xem bộ bài Tarot thuộc cung gì. Các bạn quá rảnh khi làm chuyện này bởi Tarot chỉ là những mảnh giấy và thời gian nó ra đời chính là thời gian nó được in ra tại xưởng. Thế tại sao không hỏi thẳng nơi xuất bản mà rút lá bài đánh đố nhau làm chi? Thật ra nếu bạn rảnh quá thì làm thế cho vui cũng được, tôi không ý kiến. 

5.

Việc ghi nhớ ý nghĩa các lá đánh số dựa vào chiêm tinh mà không cần hình ảnh có thể giúp bạn liên hệ đến cách sử dụng bài Tây 52 lá vào việc giải đoán. Đây sẽ là một phương thức rộng mở giúp bạn vận dụng được nhiều công cụ hơn.

Đồng thời, cuốn sách cung cấp phương pháp luận giải mỗi lá bài đi từ lịch sử, cội nguồn đến phát triển các ý nghĩa hiện đại, giúp bạn có nền tảng ban đầu tìm hiểu dòng bài Marseille cổ cùng những bộ bài hiện đại dễ dàng và thuận lợi hơn.

About Khôi Nguyên

Khôi Nguyên Là Người Thích Và Đam Mê Về Tarot. Luôn Mong Muốn Cập Nhật Những Tin Mới Nhất Đến Anh Em Trong Hội Tarot, Cộng Đồng Tarot Danh Cả Người Mới Và Người Cũ. Cùng Tin Tức Thì Các Sản Phẩm Về Bài Tarot, Phụ Kiện Tarot Cũng Sẽ Được Chia Sẻ. Tin Tức Được Đẩy Một Cách Tự Nhiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *